Bà bầu có nên "ăn gì mình muốn"?

Muốn con thông minh, khỏe mạnh, ngay trong thời kỳ bào thai người mẹ đã phải chăm sóc một cách chu đáo.




Thậm chí, theo tiến sĩ Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, không phải khi có thai mới bắt đầu cần bổ sung dinh dưỡng. Điều này cần phải được thực hiện từ trước khi mang thai (thậm chí từ tuổi thành niên để giúp cơ thể được hoàn thiện và phát triển tốt trước khi làm mẹ).

Đa dạng dưỡng chất

Khi có thai, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nếu thiếu dinh dưỡng, trẻ chậm lớn và tuổi dậy thì cũng muộn hơn so với trẻ đủ dinh dưỡng. Còn nếu thiếu các vi chất dinh dưỡng, làm tăng rủi ro phát triển chiều cao, thiếu i-ốt làm giảm khả năng phát triển trí não, thai chết lưu.

Do đó, khẩu phần ăn của người mẹ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, hình thành các cơ quan, bộ phận một cách đầy đủ và khỏe mạnh, đặc biệt là các tế bào thần kinh (nếu ăn uống thiếu rau quả tươi, sẽ dẫn tới thiếu acid folic (sinh tố B9) trong vài tháng đầu của thai kỳ, em bé sinh ra có thể bị nứt ống thần kinh tủy sống, một dị tật nghiêm trọng).
Bà mẹ mang thai cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, đủ về số lượng và cân đối về chất lượng để có thể tăng 10 - 12 kg trong suốt thai kỳ. Muốn vậy, bà mẹ cần ăn thêm bữa và tăng chất lượng bữa ăn. Những chất dinh dưỡng hay bị thiếu là sắt (có nhiều trong huyết, gan, trứng, nhất là trong lòng đỏ trứng, thịt bò, rau đay, rau dền), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu...), canxi (sữa, cá loại cá tép nhỏ ăn cả xương, nghêu, sò, ốc, hến...). Đây là những chất quan trọng vì giúp tạo tế bào, mô, máu và xương cho thai nhi. Thai nhi nếu được nuôi dưỡng đầy đủ, khi sinh ra sẽ cân nặng khoảng 3.000 - 3.500 gr và chiều cao sẽ trên 50 cm. Đây là tiền đề cho sự phát triển tốt tầm vóc và trí lực của trẻ sau này.

Ảnh hưởng cả giống nòi

Theo bác sĩ Phó Đức Nhuận, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thai phụ cần phải được ăn no, thèm thức ăn gì thì ăn nấy, không nên kiêng. Trường hợp không ăn được nhiều hơn lúc bình thường, nên cố gắng thay đổi món ăn, thay cách chế biến để ăn cho ngon miệng, tăng cường nghỉ ngơi để bớt tiêu hao năng lượng.

Theo tiến sĩ Hợp, dinh dưỡng bị thiếu hụt bắt đầu từ trong bào thai, ảnh hưởng suốt cuộc đời, đặc biệt là các em gái và phụ nữ, tác động không chỉ cuộc đời một người tức là bản thân của người phụ nữ đó mà cả thế hệ mai sau. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ thiếu năng lượng sẽ sinh ra những đứa con nhẹ cân (dưới 2,5 kg), suy dinh dưỡng bào thai, ít sữa khiến đứa trẻ sinh ra cũng dễ bị suy dinh dưỡng. Trẻ bị suy dinh dưỡng khi nhỏ, đặc biệt là trong hai năm đầu sau khi sinh, sẽ có nguy cơ cao trở thành những vị thành niên còi cọc. Nữ vị thành niên còi cọc sẽ có nguy có phát triển thành người thấp bé, nhẹ cân và hậu quả là lại sinh ra những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai. Những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp lại có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn. Đây là vòng xoáy luẩn quẩn của quá trình thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài.

Theo Eva

Bài viết cùng chủ đề :
-             Mang thai nên ăn cá gì?
-             Tại sao trứng gà tốt cho bà bầu?
-             Phòng bệnh khi bầu bí bằng thực phẩm